Khách đông nhưng mặt bằng đón khách quá thấp
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2007, đã có 3,2 triệu lượt khách quốc tế đến VN. Như vậy, nếu tính cả mùa cao điểm Giáng sinh và Tết Dương lịch sắp đến (mùa đi tour của khách quốc tế), chỉ tiêu đón 4 triệu lượt khách năm 2007 của du lịch VN tràn trề hy vọng thành hiện thực. Bội thu nhất là thị trường du lịch tàu biển. Chỉ cách đây một năm, vào mùa Giáng sinh 2006, khi 2 du thuyền 5 sao Spirit of Adventure và du thuyền Costa Marina mang theo 2.600 khách cập cảng Sài Gòn, đã được xem là một kỷ lục. Giờ đây, chuyện vài ngàn khách tàu biển cập cảng VN là chuyện thường ngày.
Theo ước tính của Tổng cục Du lịch Việt Nam (VNAT), dự kiến năm 2007 VN sẽ đón khoảng 300.000 khách tàu biển, vượt xa kỷ lục 224.000 khách năm 2006. Chỉ mới đầu mùa tàu biển 2007-2008, đã có gần 4.300 lượt khách tàu biển đến VN. Lịch trình cập cảng được cập nhật liên tục: ngày 11-10, có 500 hành khách SuperStar Germini cập cảng Nhà Rồng; ngày 12-10, có 2.600 khách Hoa Kỳ, Canada đến vịnh Nha Trang theo tàu Shapphire Princess; ngày 21-10, du thuyền Costa Allegra lại đến VN với 1.176 khách châu Âu.
Không chỉ mang đến lượng khách khổng lồ, các hãng tàu biển còn lên kế hoạch dừng chân định kỳ ở VN. Từ tháng 12-2007, hãng tàu Star Cruise sẽ khôi phục tuyến đường biển ghé Hạ Long với tần suất 7 ngày/chuyến, trung bình mỗi chuyến mang theo 1.000-2.200 khách. Trong khi đó, hãng Costa Crociere thì lên kế hoạch sẽ có 11 chuyến ghé Hạ Long, 15 chuyến đến TPHCM, 18 chuyến ghé Đà Nẵng với tần suất 5 ngày/chuyến. Theo ông Võ Anh Tài, Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, ước tính trong năm nay Saigontourist sẽ đón khoảng 40.000 khách tàu biển, tăng 300% so với năm trước. Đó là chưa kể những hợp đồng đã ký kết cho năm 2008, hứa hẹn mang theo 100.000 khách sẽ đến VN.
Không còn nghi ngờ gì nữa việc VN đang trở thành một trong những “điểm nóng” trên bản đồ du lịch thế giới. Thế nhưng, khi khách quốc tế ồ ạt đổ vào thì hàng loạt vấn đề nảy sinh. Từ chuyện cơ sở hạ tầng như: không có cảng biển đón khách du lịch, thiếu phòng lưu trú… đến những bất cập về dịch vụ như: thiếu hướng dẫn viên giỏi ngoại ngữ, thiếu chương trình giải trí về đêm đến lối kinh doanh làm giá, chặt chém du khách. Tất cả đặt ra bài toán khó đối với giới kinh doanh lữ hành.
Hàng không, lữ hành, khách sạn cùng… than vãn
Ngay cả Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) cũng không giấu được nỗi lo về môi trường kinh doanh đầy khó khăn sắp tới. Không chỉ phải cạnh tranh với các hãng hàng không quốc tế, môi trường kinh doanh du lịch thiếu ổn định (giá phòng biến động, giá nhiên liệu tăng đột biến…) cũng làm giảm độ tăng trưởng của khách quốc tế vào VN. Theo tổng kết của VNA, trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng ở thị phần khách nội địa là 22,2%. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng đối với thị trường khách quốc tế chưa tới 1% so với năm 2006, với con số khiêm tốn 2,4 triệu khách.
Thị trường khách tàu biển vừa khai phá cũng không ít nỗi lo. Các hãng lữ hành kinh doanh tàu biển đang “kêu gào” về việc xây dựng một cảng biển chuyên dụng để đón khách du lịch. Khách đến ngày càng nhiều nhưng chưa có cảng du lịch để đón khách mà phải dùng chung… cảng hàng hóa. Mỗi tháng, VN đón trên 20.000 khách tàu biển nhưng ước mơ có một cảng biển chuyên dụng có nhà ga hành khách, phòng làm thủ tục xuất nhập cảnh, phòng chờ, điện thoại, cửa hàng mua sắm, bãi đậu xe, kios cung cấp thông tin du lịch… vẫn chưa biết khi nào thành hiện thực!
Trong khi đó, giá phòng khách sạn (KS) cứ tăng lên vùn vụt. Tại TPHCM, một đêm tại KS 3 sao giá hơn 70 USD/phòng, tương đương với giá của một KS 4 sao cách đây chỉ vài tháng. KS 5 sao thì giá ngất ngưởng trên 200 USD/phòng/đêm. Theo Sở Du lịch TPHCM, giá phòng ở TPHCM đã tăng ít nhất 26% so với năm 2006. Ở Hà Nội thì “cháy” phòng khách sạn là chuyện cơm bữa. Đó là chưa kể, vào mùa cao điểm, tại các điểm du lịch nóng như TPHCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt… giá phòng có khi được nâng lên 200%-300%. Nguy cơ mất khách ngày càng cao khi hàng loạt các hãng lữ hành quốc tế đồng loạt phản ứng về cách làm du lịch ở VN trên các kênh thông tin quốc tế.
Cách đây vài năm, du lịch VN còn quanh quẩn với mục tiêu làm sao để “kéo” khách đến VN. Giờ đây, có khách thì lại thêm nỗi lo làm sao giữ được chân khách khi có hơn 85% du khách cho biết sẽ không trở lại VN!
(Theo SGGP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét