Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

Du lịch Việt Nam: Đánh thức tiềm năng

Tiềm năng du lịch của ta được ví như cô gái đẹp chìm đắm trong giấc ngủ dài, bỗng một ngày kia, chiếc gậy thần hội nhập đã đánh thức nàng dậy.
du lich viet nam
Một dáng hình tuyệt đẹp uốn cong từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau. Núi non trùng điệp với nhiều điểm du lịch khám phá hấp dẫn: Sa Pa, Điện Biên, Mai Châu, Thác Bà, Thác Mơ, Phong Nha - Kẻ Bàng, Bà Nà... Hơn 3.000 km bờ biển trải êm theo chiều dài đất nước với nhiều bãi biển đẹp: Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bãi Cháy...

Không ít danh lam thắng cảnh, giá trị văn hoá được Unesco xếp hạng di sản thiên nhiên, di sản văn hoá thế giới: Vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, cố đô Huế... và mới đây là không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.

Biến tiềm năng thành... tiền mặt

16 triệu lượt khách du lịch nội địa; 3,43 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Chỉ vài năm trước, đó là một con số không tưởng. Thành công ấy có được trước hết là nhờ chính sách lớn của nhà nước về phát triển du lịch; sự nỗ lực của ngành du lịch với những chiến lược xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ ở cả trong nước và nước ngoài. Nó cũng là kết quả của sự chuyển mình tích cực của các cấp chính quyền địa phương và người dân từ trong nhận thức đến hành động để tạo ra môi trường du lịch lành mạnh, hấp dẫn.

Chưa có con số thống kê chính thức nhưng chắc chắn ngành công nghiệp không khói này đã đem lại hàng triệu việc làm cho người lao động. Với đà tăng trưởng xấp xỉ 20 % trong những năm gần đây, doanh thu của toàn ngành ước tính đạt khoảng 30 ngàn tỷ đồng/năm.

Du lịch phát triển kéo theo sự phát triển của rất nhiều ngành, nghề khác: hàng không, giao thông đường bộ, khách sạn, thủ công, mỹ nghệ... ở các nước có ngành du lịch phát triển, nếu nền kinh tế của quốc gia đó là một đoàn tàu thì ngành du lịch chính là đầu tàu. Chưa nói đâu xa, ngay nước láng giềng Thái Lan, doanh thu từ du lịch mỗi năm cũng đạt tới trên 10 tỷ USD và lợi ích từ rất nhiều các dịch vụ "ăn theo" khác.

Ngành kinh tế mũi nhọn

Ưu tiên phát triển du lịch, tạo những điều kiện tốt nhất để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước là vấn đề lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhưng du lịch là một ngành tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp... nên sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong mọi hoạt động là vô cùng cần thiết. Xin đơn cử một ví dụ: các tour du lịch đến Thái Lan vài năm gần đây đã giảm giá đến mức khó tin (một tour 4 - 5 ngày từ Việt Nam sang Thái chỉ trên dưới 200 USD/người).

Giá vé máy bay cũng được giảm đáng kể. Đáp lại "thiện tình" ấy là lượng khách quốc tế đến Thái Lan tăng đột biến: khoảng gần 20 triệu lượt người/năm. Điều đó cho thấy, vai trò điều tiết của Chính phủ là vô cùng quan trọng.

Ngoài các vấn đề mang tính cốt lõi để phát triển du lịch bền vững như đảm bảo an ninh, trật tự; nhiều sản phẩm du lịch cho khách lựa chọn; khai thác du lịch kết hợp với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên... thì vấn đề "đối xử" với khách du lịch cũng là một trong những yếu tố quan trọng để giữ chân khách. Hiện nay, mặc dù đã được cải thiện nhưng ở ta vẫn còn tồn tại một nghịch lý khá nhức nhối: ngành du lịch thì cố sức để kêu gọi khách đến với "nụ cười Việt Nam", nhưng ở trong nước, ta lại thi nhau đưa họ lên "máy chém".

Chế độ "hai giá" hiện vẫn còn tồn tại một cách chính thống và không chính thống. Dịch vụ tại các khách sạn, nhà hàng và tại các điểm du lịch, trên đường phố thì... cứ dạo một vòng sẽ biết khách du lịch bị chặt, chém tới cỡ nào?!

Để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn thì những vấn đề lớn (và tưởng là nhỏ) trên cần phải được giải quyết và giải quyết càng sớm càng tốt.

Trần Minh - Việt kiều Canada: Hạnh phúc vì được sống ở VN

Tôi sang Canada năm 6 tuổi. Việt Nam trong trí nhớ của tôi là những kỷ niệm hết sức mờ nhạt. Nhờ chuyến du lịch xuyên Việt năm 1998, tôi biết được cuộc sống thực tế ở Việt Nam, hơn thế nữa, tôi đã được gặp bà con họ hàng ruột thịt và thực sự biết đến tình cảm quê hương dành cho mình. Nay tôi đã chọn Việt Nam là nơi dừng chân.

Hiện tôi làm việc cho tập đoàn Exo Platform về công nghệ thông tin tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội thật thú vị. Văn hoá đặc sắc. Khí hậu dễ chịu. Con người thân thiện, luôn sẵn lòng giúp đỡ nhau... Tôi có rất nhiều bạn tốt và đó là một trong những lý do tôi không muốn xa Việt Nam.

Tết vừa qua là cái Tết đầu tiên tôi ở Việt Nam. Thật không thể tả nổi sự sung sướng hạnh phúc của tôi khi được hoà mình vào không khí Tết ở quê nhà. Tôi được bạn dẫn đi thăm vườn đào ven sông Hồng. Đó là vườn hoa lớn và đẹp nhất mà tôi từng nhìn thấy trong đời.

Thu nhập của tôi ở Việt Nam thấp hơn ở Canada rất nhiều nhưng bù lại, giá cả, dịch vụ rẻ nên tôi không những đủ trang trải cho cuộc sống của mình mà còn có điều kiện để du lịch trong nước. Du lịch khám phá là niềm đam mê lớn của tôi và ở Việt Nam, tôi thấy hạnh phúc vì được thoả mãn niềm đam mê đó.

Trần Thị Liên - Việt kiều Canada: Thú vị nhất là du lịch... về nhà mình

Tôi xa Hà Nội từ năm 1979. 11 năm sau, tôi trở về nước lần đầu tiên. Lúc đầu chỉ là thăm dò xem đất nước đã thay đổi thế nào, sau thấy chính sách nhà nước cởi mở, có sự quan tâm đặc biệt đến bà con Việt kiều, tôi cùng với gia đình trở về thường xuyên hơn. Mấy năm gần đây, vợ chồng tôi được nghỉ hưu nên năm nào chúng tôi cũng về Việt Nam.

Mùa đông ở Vancouver (Canada) rất lạnh, nhiều người thường đi du lịch ở các nước có khí hậu ấm áp để tránh rét. Vợ chồng tôi cũng như nhiều Việt kiều ở Canada thì lại chọn các tour du lịch về nguồn - vừa được thăm hỏi bà con họ hàng ruột thịt, vừa được đi khắp trong Nam ngoài Bắc.

Điều kiện sống tại các gia đình ở ta bây giờ đã rất khá, nhiều người có mức sống cao thậm chí còn hơn cả đời sống của phần lớn bà con Việt kiều ở hải ngoại. Thật thú vị khi chúng tôi vừa được hưởng cuộc sống đầy đủ tại các gia đình, vừa được hưởng những dịch vụ tuyệt vời mà ở Canada không bao giờ dám mơ tới. Phải nói là nước mình có rất nhiều điểm du lịch đẹp, giá cả lại cực rẻ, dịch vụ tốt…

Chúng tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, thấy không đâu hấp dẫn bằng nước mình. Điều mong muốn duy nhất của chúng tôi là có sức khoẻ để hàng năm được về với quê hương.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp điện tử)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến