Thời gian gần đây, nhiều địa phương có lợi thế biển đã và đang chọn mô hình này làm ngành kinh tế mũi nhọn, tăng nguồn thu, giải quyết công ăn việc làm, là động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế đầu tư, thương mại, văn hóa, xã hội...
Nhiều nhà đầu tư du lịch lớn quốc tế đã và đang chọn Việt Nam, dự báo sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nước ta thu hút thêm nhiều tập đoàn lớn quốc tế tìm đến đầu tư lĩnh vực này. Sản phẩm du lịch bắt đầu đa sắc, không chỉ còn gói gọn loại hình nghỉ dưỡng mà mở rộng sang du lịch kết hợp tìm hiểu văn hóa lịch sử truyền thống, thể thao, hội nghị hội thảo, tổ chức sự kiện quy mô hơn. Nguồn khách quốc tế đến bằng đường biển đang tăng lên. Sắp tới có thêm những hãng tàu du lịch quốc tế khác đến nước ta, trong đó Saigontourist đã ký thỏa thuận với một hãng tàu du lịch lớn Hoa Kỳ mở tour du lịch đường biển hành trình Bắc - Nam.
Vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là đã có không ít địa phương do nóng vội đã đưa ra các chiến lược phát triển thiếu tính bền vững, gây trùng lắp, thiếu quy hoạch chi tiết phù hợp để bảo vệ môi trường và văn hóa bản địa, tính thương mại hóa quá cao, trong khi đáng lẽ phải tìm ra sự khác biệt, bản sắc riêng, phần "hồn" của du lịch biển. Một trong những hậu quả lớn nhất: ảnh hưởng thương hiệu du lịch Việt và tác hại môi trường.
Cũng trong quá trình phát triển du lịch biển, đã hình thành nếp nghĩ: những nơi này chủ yếu dành cho khách sang trọng, khách quốc tế. Quan điểm này không sai, nhưng không đủ đối với công nghệ du lịch biển, nhất là khi đặt trong bối cảnh văn hóa Việt. Theo chúng tôi, lợi ích từ du lịch biển trước hết phải mang lại cho cộng đồng địa phương và du khách trong nước vì họ là chủ của những di sản này, sau đó mới tính đến việc "chiêu đãi" khách quốc tế. Biển - vừa là địa điểm tham quan vừa là không gian nghỉ dưỡng, mang lại và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng sau những giờ phút lao động mệt nhọc. Vì vậy, trong quá trình quy hoạch, bên cạnh chú trọng xây dựng những resort đẳng cấp quốc tế (tránh trường hợp diện tích quá nhỏ xây dựng kiểu khách sạn bê tông nhà phố...), phần lớn còn lại không gian dành cho sinh hoạt, vui chơi giải trí tập thể.
Theo chúng tôi, các tuyến điểm du lịch biển Việt Nam nên mạnh dạn chọn hướng đi riêng vừa tạo ra sự khác biệt vừa góp phần tạo sự đa dạng du lịch nước nhà. Ví dụ, Vũng Tàu có thể mạnh dạn chọn mô hình du lịch biển kết hợp những sự kiện sinh động, nhất là các môn thể thao, văn hóa giải trí...; Côn Đảo, đặc biệt Phú Quốc trở thành tuyến điểm du lịch biển nghỉ dưỡng cao cấp; Nha Trang, Phan Thiết du lịch kết hợp mua sắm, hội nghị hội thảo (MICE); Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Ninh Thuận thích hợp mô hình du lịch biển kết hợp tìm hiểu lịch sử, văn hóa truyền thống Việt Nam khi có điểm nhấn các di sản được UNESCO công nhận, văn hóa Sa Huỳnh, Champa độc đáo; Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Đồ Sơn (Hải Phòng) trở thành những điểm du lịch sinh động, hấp dẫn khu vực phía Bắc. Đấy là chưa kể "át chủ bài" vịnh Hạ Long đã định hình thương hiệu và các đảo, vịnh khác có nhiều tiềm năng khai thác du lịch như Vĩnh Hy, Vân Phong, Cam Ranh...
Du lịch biển gắn với loại hình MICE, văn hóa, lịch sử là thế mạnh của du lịch Việt Nam, mô hình phổ biến, đang và sẽ được ưa thích và hiệu quả, nhất là khi chúng ta kết nối được 3.200 km bờ biển thành con đường du lịch ven biển vừa lãng mạn vừa giải quyết giao thông đi lại thuận tiện trên toàn quốc, song song đường sắc Bắc - Nam, quốc lộ 1A, con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Ngoài ra, công tác vĩ mô cần thiết đẩy mạnh hoạt động quảng bá tiếp thị chuyên nghiệp nhằm đánh bóng thương hiệu du lịch biển quốc gia.
Có như thế, mới mong nâng "tầm" biển Việt Nam, đưa biển Việt Nam đạt vị trí cao trên bản đồ biển thế giới.
Nguyễn Hữu Thọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét