Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

Du lịch Việt Nam cần một sự phát triển đột biến

Việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ thu được một lượng ngoại tệ lớn, mà còn là cách tốt nhất để giới thiệu hình ảnh của đất nước với thế giới và còn là một hình thức xuất khẩu tại chỗ, "ăn từ gốc đến ngọn"...

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2004 đạt gần 2,93 triệu lượt người, tăng 20,5% so với năm 2003 và cao nhất từ trước tới nay. Năm 2004 so với năm 1995, nghĩa là sau 10 năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam cao gấp khoảng 2,2 lần. Quý I/2005 ước tính đạt 877,5 nghìn lượt người, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2004, đây cũng là mức tăng cao nhất từ trước tới nay, là tín hiệu đầy ấn tượng.

Trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, số người về thăm thân nhân khá đông, cả năm 2004 lên đến gần nửa triệu lượt người và quý I năm nay đã đạt 157,2 nghìn lượt người. Đây là loại khách đặc biệt, vì Việt kiều đã qua thế hệ thứ hai, thứ ba (với gần 3 triệu người) nhưng đã có số người nhiều như thế về thăm đất nước, là một chỉ số rất đáng khích lệ.

Tốc độ tăng chung của quý I là 22,8%, nhưng điều rất có ý nghĩa là lượng khách đến từ nhiều nước có thu nhập cao như Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Áo, Canada, Italia, Mỹ, New Zealand, Thụy Điển, Úc, Singapore... tăng với tốc độ cao hơn tốc độ chung. Các nước có thu nhập cao cũng có số khách đông như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Pháp, Canada, Anh, Đức... Bởi vậy, thu nhập ngoại tệ từ du lịch quốc tế đã tăng khá. Nếu năm 2003 đạt chưa được 1,6 tỉ USD thì năm 2004 đã đạt gần 2 tỉ USD. Con số này còn lớn gấp nhiều lần các loại dịch vụ khác, lớn hơn cả lượng vốn ODA giải ngân.

Sự ổn định chính trị - xã hội, các chính sách khuyến khích, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cộng với dịch vụ giá rẻ đang tạo lợi thế lớn cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, chúng ta đã chưa khai thác đúng mức lợi thế này. Hiện tại tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam mới đứng hàng thứ 50 trên thế giới. Tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến nước ta so với dân số mới đạt 3,6%, tức là 100 người dân Việt Nam mới có 3,6 lượt khách quốc tế, còn đứng thứ 94 trong tổng số 151 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh, trong khi nhiều nước và vùng lãnh thổ có số khách đến còn nhiều hơn dân số, như Hồng Kông 192,1%, Ma Cau 1.525,6%, Singapore 158,4%, Guam 831%, Papua New Guinea 5.130%, Aixơlen 107,8%, Ailen 177,3%, Na Uy 100%, Hungari 152,5%, Hy Lạp 118,4%, Bồ Đào Nha 120,3%, Tây Ban Nha 122,1%, Áo 221,7%, Pháp 128,2%, Lucxămbua 184,2%, Monaco 937,5%, Thụy Sĩ 158,8%, Síp 354,8%, Mandivơ 169,2%... Chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam cũng còn quá khiêm tốn, mới đạt khoảng 681 USD/lượt khách. Lượng khách quay trở lại Việt Nam lần thứ 2 ước chỉ đạt trên dưới 20%. Lượng khách của những nước giàu tuy tăng nhanh nhưng còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Hiện nay, hệ thống sản phẩm và các loại hình dịch vụ du lịch của chúng ta còn nghèo nàn, chất lượng chưa cao, việc đầu tư cho du lịch còn mang tính dàn trải. Môi trường du lịch chưa thực sự thông thoáng, vẫn còn những thủ tục rườm rà, vẫn còn tình trạng lộn xộn trong kinh doanh, công tác quản lý điều hành du lịch các cấp chưa đồng bộ và chưa có sự phối hợp thống nhất giữa các cấp... Chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch còn hạn chế, chưa chuyên nghiệp. Tình trạng bán hàng rong, ăn xin đeo bám khách tại các điểm du lịch vẫn chưa được khắc phục triệt để...

Thu hút 3,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay rõ ràng là không quá lớn, chúng ta có thể dễ dàng đạt được mục tiêu đó. Nhưng đó cũng chỉ là mục tiêu phát triển tiệm tiến, không xứng đáng với tiềm năng của đất nước. Xét về tiềm năng và tương quan, ngành du lịch Việt Nam phải và hoàn toàn có thể tạo ra sự phát triển đột biến.


Minh Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến