Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

Khẩu hiệu du lịch Việt Nam đã lỗi thời

Năm 2004, ngành du lịch VN vẫn giữ khẩu hiệu "VN - điểm đến của thiên niên kỷ mới" và biểu tượng "Nụ cười VN", có từ năm 2000. Theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, lời mời gọi trên đã lạc hậu, không còn sức hấp dẫn đối với du khách quốc tế.du lich viet nam

Giám đốc một hãng lữ hành lớn ở TP HCM cho biết, hơn một năm nay, hãng của ông đã không dùng khẩu hiệu "Việt Nam - điểm đến của thiên niên kỷ mới" và biểu tượng "Nụ cười Việt Nam" của Tổng cục Du lịch khi quảng bá tour. Nguyên nhân là khẩu hiệu này đã không còn gây ấn tượng với du khách. "Sau ảnh hưởng của dịch SARS và cúm gà, các quốc gia trong khu vực đều đã thay đổi khẩu hiệu du lịch để tạo sức hấp dẫn mới. Tôi không hiểu sao ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa thay đổi", ông nói.

Theo Phó giám đốc Công ty Du lịch dịch vụ Hà Nội (Hà Nội Toserco) Mai Tiến Dũng, khẩu hiệu du lịch giống như một sản phẩm quảng cáo, luôn đi kèm với một chiến lược kinh doanh mới. Do vậy, cần phải thay đổi khẩu hiệu khi không còn gây chú ý với du khách. "Khẩu hiệu quá cũ sẽ giảm chức năng quảng bá du lịch ở tầm quốc gia. Khi khách không chú ý đến Việt Nam, cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng", ông Dũng nói.

Không chỉ doanh nghiệp du lịch, nhiều khách quốc tế cũng tỏ ý ngạc nhiên khi đến năm 2004, du lịch Việt Nam vẫn còn giữ khẩu hiệu: "Chào thiên niên kỷ mới". Anh Hayles, một doanh nhân người Anh, cho biết: "Năm 2000, lần đầu tiên đến Việt Nam tham dự Fetival Huế tôi rất thích biểu tượng cô gái áo dài, nón lá với lời mời gọi Việt Nam - điểm đến của thiên niên kỷ mới. Sau 4 năm trở lại, tôi hy vọng du lịch Việt Nam sẽ có những hình ảnh mới, nhưng mọi thứ vẫn như cũ".

Còn theo Tổng giám đốc khách sạn Melia Hanoi Alfonso Romero, cứ sau 2 năm, ngành du lịch nên thay đổi một khẩu hiệu và chiến lược kinh doanh mới. "Khẩu hiệu hiện nay của du lịch Việt Nam rất hay nhưng đã sử dụng khá lâu. Các bạn cần phải làm mới hình ảnh của đất nước mình để tạo sức hút mới với khách quốc tế", ông Romero nói.

Trao đổi với VnExpress, một quan chức Tổng cục Du lịch cho biết, cơ quan này đã tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu biểu tượng và khẩu hiệu du lịch. Họa sĩ được đề nghị không thể hiện một gương mặt cụ thể mà sẽ cách điệu dựa trên cơ sở hình tượng cô gái Việt Nam mặc áo dài, đội nón lá. Ban tổ chức đã chọn được 2 mẫu vào chung kết, nhưng không hiểu vì lý do gì chưa công bố chính thức. "Khi công bố khẩu hiệu mới cũng đồng nghĩa với việc đưa ra chiến lược kinh doanh, quảng bá mới. Tôi cho rằng, ngành du lịch chậm trễ có lẽ vì chưa xây dựng xong chiến lược kinh doanh", vị quan chức này nói.

Khẩu hiệu “Việt Nam - Điểm đến của thiên niên kỷ mới” và biểu tượng "Nụ cười Việt Nam" chính thức được sử dụng từ năm 2000. Ngay sau khi có khẩu hiệu này, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 20% so với năm 1999, đạt 2,1 triệu. Lượng khách trong năm 2001, 2002 tiếp tục tăng lên 2,3 triệu và 2,6 triệu người. Do ảnh hưởng của dịch SARS, lượng khách năm 2003 đã giảm xuống chỉ còn 2,2 triệu. Tại nhiều nước trên thế giới, lượng khách quốc tế cũng thường tăng nhanh sau khi ngành du lịch đưa ra những chiến dịch quảng bá mới, hấp dẫn.

Việt Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến